BÀI HỌC TỪ NỖI OAN KHUẤT ĐỒNG TÂM.
(HTTL, 10.3.2021)
Cái chế độ này nó trí trá ngay từ Hiến pháp và Luật pháp rồi. Điều không dễ thấy nếu không dày công nghiên cứu. Điều mà dân ta còn ít và còn chậm quan tâm.
Xảy ra các vụ án oan sai và người dân luôn thua thiệt và bị chính quyền ức hiếp, đẩy vào đường cùng, cũng có phần lỗi của dân mình lâu nay chưa quan tâm đúng mức đến hiến pháp và luật pháp, nhất là những điều luật mơ hồ, dễ mắc lừa. Trong đó có luật bầu cử, luật đất đai, luật an ninh mạng v.v… Nhưng thử hỏi, các sinh viên ngành luật, nhiều người có bằng cấp về luật cũng có mấy ai mạnh mẽ lên tiếng vì dân chưa?. Tại sao vậy?. Tại đảng cs VN chuyên chế độc tài và bảo thủ ư?. Cũng có phần đúng vậy.
Mục đích một đàng nhưng cách làm một nẻo, mục đích là dân chủ nhưng cách làm lại là độc tài, chỉ là tự khoác cho mình màu sắc dân chủ với những mỹ từ hào nhoáng. Ai lên tiếng chỉ ra thì chụp cho họ tội danh “chống đối”. Hỏi xem cả thế giới này có nước dân chủ nào có chuyện bỏ tù nhà báo và những người dùng ngòi bút của mình để biểu đạt không?. Hoàn toàn không, vì đó là quyền tối thiểu của con người đã được ghi trong “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”. Việt Nam đã ký kết tuyên ngôn đó, cớ sao nhà cầm quyền VN còn vi phạm?.
Vụ Đồng Tâm, nhà cầm quyền VN là người vi phạm nhân quyền: quyền được sống, quyền chỗ ở. Ai gây sự trước?. Hỏi xem có nước dân chủ nào mà báo chí cũng chỉ độc tài nhà nước với một đội quân dày đặc như VN hiện nay không?. Các nhà lãnh đạo đã bao giờ đọc một tờ báo thuần túy của dân chưa?. Có đâu mà đọc chứ!. Tất cả đều qua lăng kính kiểm duyệt của một chủ thể gọi là “đảng lãnh đạo”, “Nhà nước quản lý”. Đảng là đảng, đảng không thể là dân, 5 triệu đảng viên, còn dân là 90 triệu, rõ ràng là hai tập hợp khác nhau, nhưng lại cứ võ đoán và tuyên truyền sai trái rằng “ý đảng, lòng dân”, lơ mơ, trí trá, rồi tự xưng danh đại diện. Ý của người này, sao là lòng của người khác được. Tính khoa học chỗ nào?.
Mấu chốt của một hệ thống chính trị là hệ thống các văn bản pháp quy. Mà các văn bản đó lại do Quốc hội soạn thảo và/hoặc phê duyệt. Mà QH là do dân bầu. Ai cũng thấy bầu cử là hình thức. Nhưng mấy ai đấu tranh cho nó hết hình thức đâu. Năm này qua năm khác, khóa ĐBQH này sang khóa ĐBQH khác, cứ mãi điệp khúc bầu cử hình thức, dân chủ nửa vời. Hiến pháp và Luật pháp còn chưa tốt, thì làm sao thực tế có thể tốt hơn. Nhà dột từ nóc. Chế độ hỏng từ hiến pháp.
Nếu cần, bầu cử QH lần này có thể chậm lại, vì cái cần nhất là phải sửa ngay luật bầu cử, để chấm dứt những việc làm nhiễu nhương, bất bình đẳng trong luật bầu cử hiện hành.
Qua vụ việc Đồng Tâm, có lẽ bài học lớn cho dân ta đã rõ. Rất đau buồn. Nhưng hãy đứng lên, nhìn thẳng vào hệ thống chính trị, hệ thống văn bản pháp quy và lên tiếng. Phải thay đổi. Đừng để mấy chữ “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” chỉ là chiếc bánh vẽ!. Đừng để dân lại chết oan vì những chiếc bánh vẽ đó!.
No Comment